![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhrx9eutJSqx2fxoy3KBCWrDrUDTYWaCLEyMZTQ8n_Vo6NXbrDNnhbxkbH5o8Ooz849AJWJFpOEpN7Vzx7j4g1b148k7ns9R8IEhcwAjxCUVF4cUAT-Jj-nfRZq-5WXV97e92xxj01Uoys/s320/Ngoc-Anh---%C3%90ang-uy.jpg)
Hưng Thịnh
Giữa lúc các vụ việc bê bối của nhà trường còn ngổn ngang chưa được giải quyết thì mới đây cũng tại ngôi trường này lại xảy ra một sự kiện hy hữu làm chấn động cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường: Lần đầu tiên một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục của một học viên đang là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trường đã bị khai tử ngay từ lúc chưa sinh ?
BUỔI BẢO VỆ CÓ MỘT KHÔNG HAI
Đường đường là Phó Bí thư Đảng uỷ của một Trường đại học, lãnh đạo hàng trăm cán bộ, đảng viên có học hàm học vị, nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn còn lủi thủi với tấm bằng đại học tại chức. Muối mặt, ông Anh đặt ra mục tiêu quyết lấy bằng được học vị thạc sĩ. Nghị lực tiến thủ của ông Phó Bí thư rất đáng được trân trọng. Sau gần 2 năm cần mẫn “nuốt trôi” chương trình đào tạo sau đại học tại chỗ, ông Anh chọn đề tài… nghe rất thời sự: “ Các biện pháp phát triển đội ngũ cán bô quản lý đáp ứng nhiệm vụ đổi mới Trường Đại học Quy Nhơn hiện nay”, thuộc chuyên ngành quản lý giáo dục, mã số 601415, để làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục học. Sẽ không có gì xảy ra, nếu như người hướng dẫn luận văn cho ông Anh là một giảng viên có học vị thuộc ngành Tâm lý – Giáo dục học, chứ không phải là đương kim Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt ?
Sáng ngày 12.5, luận văn của ông Anh được Hội đồng khoa học nhà trường chấp nhận đưa ra bảo vệ. Song khốn khổ thay, ngay từ những phút đầu tiên, đứa con tinh thần được ông “mang nặng” chưa kịp sinh ra đã bị… khai tử. Sau khi Chủ tịch Hội đồng, TS Võ Nguyên Du công bố Quyết định và Thư ký Hội đồng TS Cao Thị Huyền Nga công bố lý lịch khoa học của học viên, thì lập tức từ bên dưới hội trường nhiều cánh tay đưa lên phản ứng quyết liệt. Ông Châu Minh Hùng – cán bộ giảng dạy khoa Giáo dục tiểu học đã “khai hoả”. Theo ông Hùng, Chủ tịch Hội đồng đã vi phạm Quy chế đào tạo sau đại học của Bộ giáo dục & Đào tạo ban hành. Quy chế không hề bắt buộc các ý kiến tham gia tại các buổi bảo vệ phải gửi bằng văn bản cho Hội đồng mà cần phải được công khai, như thế công trình khoa học mới đi đến cùng của chân lý. Không dừng lại ở đó, ông Hùng tiếp tục truy đích danh ông Trần Tín Kiệt, đương kim Hiệu trưởng - người được mời hướng dẫn luận văn, đã vi phạm Điều 32 của Quy chế đào tạo sau đại học hết sức nghiêm trọng. Vừa “kết tội”, ông Hùng vừa trưng ra đầy đủ các chứng cứ. Bị phủ đầu bất ngờ, cả Hội đồng “bùng tai” xin phép được dừng lại 5 phút… để hội ý. Tuy nhiên đã không cứu vãn được tình thế, khi mà ngay sau đó chính Thư ký Hội đồng và Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – giữ vai trò phản biện 1 cũng đã tuyên bố “rút” khỏi danh sách những người “cầm cân nẩy mực”.
TAI BAY VẠ GIÓ
Có thể nói như vậy, hậu quả sẽ không xảy ra nếu như người hướng dẫn ông Nguyễn Ngọc Anh không phải là ông Kiệt. Cũng vẫn giọng điệu gay gắt, trao đổi với Báo ĐS&PL, ông Châu Minh Hùng cho biết: “Đối chiếu với tất cả 4 tiêu chuẩn bắt buộc của Quy chế đào tạo sau đại học, thì cả 4 tiêu chuẩn ông Kiệt đều… phạm quy”. Người hướng dẫn trước hết phải có tiêu chuẩn hàng đầu, đó là lý lịch bản thân rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức và tư cách tốt. Trong khi đó, ông Kiệt đã từng có tiền sự phạm pháp, theo kết luận của Viện KSND tỉnh Bình Định và Đảng uỷ Dân chính Đảng tỉnh Bình Định từ năm 1993 - 1994, nhưng đã không được xử lý mà bị dấu nhẹm suốt gần 15 năm qua. “Nếu như không có báo chí phanh phui, thì… chắc chắn không bao giờ những cán bộ giảng dạy như tôi và kể cả cán bộ, đảng viên, CNV trong toàn trường sẽ biết được chân tướng của Hiệu trưởng Kiệt”. Ông Hùng bức xúc. Cả Trường đại học Quy Nhơn ai cũng biết, ông Kiệt chỉ đơn thuần là một Tiến sĩ giải tích thuộc ngành Toán, chưa từng được trải qua 6 môn học chuyển tiếp; nhưng lại được mời làm hướng dẫn cho một luận văn chuyên ngành quản lý giáo dục (trong khi theo tìm hiểu của báo ĐS&PL, khoa Tâm lý Giáo dục không phải không có người để đảm nhiệm – PV). Còn về năng lực chuyên môn thì… miễn bàn, bởi sau 8 khoá đào tạo sau đại học của ngành Toán tại Trường, Tiến sĩ Kiệt chưa từng dù chỉ một lần được mời làm hướng dẫn luận văn cho học viên (!?)
Dù sao thì hậu quả cũng đã xảy ra. Dư chấn buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ bất thành lan nhanh và trở thành một đề tài “nóng” trong và ngoài trường. “Đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử đào tạo sau đại học của ngành Tâm lý – Giáo dục”. Một giảng viên đã nói. Vấn đề đặt ra sau sự kiện hy hữu này, không đơn thuần là chuyện “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (ông Bí thư Đảng uỷ hướng dẫn luận văn cho ông Phó Bí thư Đảng uỷ – PV) mà cần phải làm rõ động cơ và trách nhiệm của người đã “thiết kế” nên kịch bản vụng về này. Vì sao ông Kiệt phạm phải nhiều tiêu chuẩn bắt buộc của Quy chế như vậy nhưng vẫn được mời hướng dẫn (?)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjUDmuH71VdzT46lhqFMN6CAhUOQBl4RXBXBG-F4tRHOlebtlvLvnfYUBQDzx4leNOPcs03-ZO5o_Hny8q60vthTBCeFjMMe-gP9gssqm687tr5eek0p6m3-EZRheW5h8-dzENNXmGbj48/s320/Bao+ve+3.jpg)
Chính Luận
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEidaq_kEAExuU4yHQPayNJGuc1D5sIQdeYbiuQE4YIr5cIun451A9iGBWEKFHkqUFbeXbeUcB-w2Jcv8M89WeG1kgSCfC4cqqKl4u7SvlutnJLg1T65ZuglX-w-jtG9W4Gn0Wau7P7gRcg/s320/Doi+bao+ve1.jpg)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEitfUQ1aBRn54L6Xiwm78Y7wFXzDh-krQDXrJlnpBkGxzxvkeCiuBShC3RP2UWvmIuHpXEZVZg6hWix3TojSlspgYOlRigUx1BlcQIuQ6ZZ2v9oWDysx78wPnqiiElQ3frUkbASTgY69eE/s320/BVLV2.jpg)
2 nhận xét:
Vậy là sau vụ LV Nhã Thuyên, Trường ĐHQN đã có cơ lấy lại danh dự. Vì trường ĐHSP 1 Hà Nội đã là vế đối (bứng cây sống) của ĐHQN (trông cây chết). Quy Nhơn vạn tuế Quy Nhơn!!!!
không hiểu!!!
Đăng nhận xét