Trang

Mừng Xuân mới Nhâm Thìn

Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Tát cạn bể Đông Hải không rửa sạch tanh hôi.

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

NGÀY TẾT, BÀN VỀ... CÁI ĂN

Khi cụ Tản Đà viết: “Dân hai mươi triệu ai người lớn. Đất bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, ai cũng cảm thấy chua chát cho thân phận người Việt. Có nhiều cái chua chát. Trong đó, với tôi, chua chát nhất vẫn là cái thân phận thằng Bờm mà các cuốn giáo khoa lại ngợi ca là Bờm ta chọn nắm xôi với thân phận nghèo hèn chứ không cần thứ bả vinh hoa, phú quý.
Thì ra cái quốc dân tính bốn nghìn năm của đất nước này vẫn là cái ăn, hay nói theo ngôn ngữ kinh tế - chính trị là tầm nhìn không vượt quá đôi đũa tre. Thảo nào trong cuộc sống lẫn văn chương Việt, nói gì thì nói, vẫn quanh quẩn với miếng ăn, cái đói. Thằng Bờm Việt tự trọng ư? Hay chỉ là kẻ tham ăn, khi nhìn thấy nắm xôi thực tế hơn những thứ khác.
Chữ “nghèo” đi liền với chữ “hèn”, có gì mà phải tự hào với “tính cách Bờm”?
Huyền thoại là nơi con người bay bổng trong mộng tưởng, thế mà giấc mộng Việt chỉ quấn quýt với cái ăn. Cha mẹ Lạc Long Quân – Âu Cơ của ta sinh trăm trứng nở hết trăm con không ung trứng nào, nên phải li dị và chia đôi đàn con mỗi người một ngả để kiếm ăn. Rồi chuyện Bánh chưng, Bánh Dầy, và vân vân… Nhất là chuyện Thạch Sanh. Thạch Sanh diệt ác, trừ gian rồi cuối cùng lên làm vua với niêu cơm ăn mãi không hết. Đích thị cái niêu cơm này chỉ là mộng tưởng thôi. Ngày trước thầy giáo giảng bài cho chúng tôi, đây là hình ảnh của sự no đủ, sung sướng. Nhưng ngay cái thời bao cấp đói khát ấy, tôi đã thấy cái vị chua chát trong sự tự hào huyễn tưởng ấy. Bởi vì, cái đói nó ám ảnh (chưa bao giờ được ăn bữa no) mới nảy sinh trong mơ cái hình ảnh ấy.
Cũng là huyền thoại, nhưng sao huyền thoại ở xứ người là huyền thoại về những giấc mơ thánh thần, về trí thông minh hay danh dự tự trọng của con người. Asin hay Hecto của người Hy Lạp, Ramayata của người Ấn Độ chẳng hạn. Cũng mơ trong lúc đói, nhưng sao cái cô bé bán diêm của Andexen lại mơ một bữa tiệc lung linh sắc màu, còn ta lại chỉ có mơ một niêu cơm trắng?
Không phải hoàn toàn vô lí khi mà Trần Đăng Khoa dám chê Nam Cao không lớn vì các câu chuyện của ông chỉ quẩn quanh với miếng ăn và cái đói!
Sự phê bình này có lẽ nhằm vào cái quốc dân tính hơn là chuyện văn chương!
Và cái quốc dân tính ấy đôi khi được đánh lận sang văn hóa. Người Tây mang tiếng thực dụng, coi chuyện làm giàu là một nhu cầu thực tế, nhưng lại đi liền với nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, du lịch. Khi đi lễ nhà thờ họ chỉ thuần sám hối, cầu nguyện về sự thánh thiện, an nhiên. Người Việt được tiếng “trọng nghĩa khinh tài” nhưng hì hục làm việc cả đời, được bao nhiêu tích góp bấy nhiêu để… phòng xa cho ngày đói. Vào chùa thì chỉ cầu tài cầu lộc, bây giời thêm cầu quan cầu chức, kể cả cầu Thần Phật “bẻ cổ” đứa nào… tranh ăn với mình! Và cứ nhìn thực tế trước mắt: ngày nghỉ, các quán nhậu chật ních người, ăn như chưa bao giờ được ăn. Dân lao động ngồi quán vỉa hè, dân trí thức ngồi quán sang trọng. Ngay cả khi ngồi hát karaoke cũng phải vừa hát vừa ăn nhậu cái gì đó… do người đẹp đút cho!!!
Đời sống trí thức Việt chưa bao giờ nghèo nàn hơn lúc này. Hết giờ hành chính: nhậu! Gặp nhau: nhậu! Sau cuộc họp: nhậu! Thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng: nhậu! Làm từ thiện cho đồng bào bão lụt cũng… nhậu!
Mà cũng thật hay. Trong một chứng từ tài chính của một Công đoàn ở trường đại học: sau khi đi thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, Công đoàn cho 5 bà mẹ, mỗi bà hai trăm ngàn, nhưng nhậu hết vài triệu! Ngày hết tết đến rồi, cơ quan này vẫn phải họp hành liên miên để bàn về quy chế… cái ăn, và bàn xong thì… nhậu, mặc dù trong cuộc họp ấy, cả bọn đã phải bóp hầu bóp cổ nhau để giành giật cái ăn cho mình!
Trong một câu chuyện hài hước của Nguyễn Công Hoan, có thằng ăn mày ăn cắp củ khoai lang, không dám nhai mà vội vàng nuốt chửng, bị người ta bóp hầu đến ợ ra cái củ khoai nhễ nhại lại vẫn cố nuốt đi nuốt lại mấy lần. Những kẻ trong cuộc họp này không phải ăn mày, nhà đất vài ba lô, bụng béo phì, mà khi bị bóp hầu mấy lần vẫn không chịu nhả ra cái món gọi là “quản lí phí của mình”, mặc dù miệng mồm lúc nào cũng leo lẻo đạo đức Hồ Chí Minh, “lo trước thiên hạ, no sau thiên hạ”.
Chao ôi cái ăn nó dày vò người Việt đến bốn nghìn năm! Điều này không có gì nhục mạ dân tộc cả. Nó đúng hoàn cảnh đáng thương của Việt Nam: “có thực mới vực được đạo”. Nhưng đáng ghét là cái đạo nó cứ bọc lấy cái thực. Gần Tết, kẻ dưới tặng cho bề trên bằng miếng ăn, cái nhậu: chai rượu ngoại, bánh trái gói quanh (không dám nói có cái phong bao giấu trong đó). Ừ thì văn hóa biếu tặng bình dị của phong tục Việt. Nhưng sao phải cứ là kẻ dưới tặng bề trên, chứ không phải ngược lại? Và sao lại cứ phải lén lút chứ không dám công khai minh bạch?
Trong cái cơ quan đại trí thức này, cũng trong cuộc họp bàn về cái ăn đó, có người tự hào đem chuyện “bí mật quốc gia” này khoe ra để chứng minh về một món hoa hồng mua quà tết cho người lao động, lập tức có kẻ tím tái mặt này, bảo đây là chuyện văn hóa tế nhị, lại có kẻ còn đỏ mặt tuyên bố: “Đồng chí đem chuyện này nói ra giữa cuộc họp như thế, thì từ nay, chúng ta muốn tặng quà gì cho sếp cũng thấy thật khó. Không nên! Không nên!”.
Có nghĩa là, cái bà chủ tịch công đoàn của cái khoa chuyên rao giảng truyền thống lịch sử dân tộc này chủ trương tặng quà cho sếp là văn hóa bốn nghìn năm và bà đã làm việc ấy đến… bốn đời hiệu trưởng. Cho nên bây giờ, đem cái văn hóa kín đáo này của bà ra khoe, xem chừng khó coi quá.
Không nên! Không nên!

Không có nhận xét nào: