Trang

Mừng Xuân mới Nhâm Thìn

Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Tát cạn bể Đông Hải không rửa sạch tanh hôi.

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

PHIÊN TÒA XÉT XỬ TRẦN TÍN KIỆT


  • LẠI HOÃN PHIÊN TÒA XÉT XỬ TRẦN TÍN KIỆT VÀ ĐỒNG BỌN
  • LUẬT SƯ CHỈ TRÍCH CHÍNH QUYỀN VÀ CƠ QUAN ĐIỀU TRA, TỐ TỤNG TỈNH
Sau gần một tháng kể từ ngày hoãn phiên tòa xét xử Trần Tín Kiệt và đồng bọn về tội “cố ý làm trái…” (29/12/2010), Tòa án tỉnh Bình Định dưới sự chủ tọa của thẩm phán Nguyễn Việt Hoa lại phải hoãn lần nữa. Lần này không phải lí do vắng luật sư (Phan Hồng Hải và Nguyễn Xuân Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Kiệt mà vì không đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo!

Cuộc xét xử diễn ra một ngày (24/01/2011) quanh co khuất khúc và căng thẳng, mặc dù tòa đã sử dụng “giờ cao su” (sáng ấn định 7g 30 nhưng đến hơn 8g mới khai mạc, buổi chiều dịch chuyển từ 13g 30 đến 14g30)। Quanh co vì các bị cáo dài dòng, vòng vo, không trả lời trực tiếp vào các câu thẩm vấn, mặc dù bị tòa cắt lời và nhắc nhở nhiều lần। Vụ án tưởng đơn giản nhưng đầy khuất khúc vì các chứng cứ đưa ra trong hồ sơ của cơ quan điều tra không đủ thuyết phục. Các tranh tụng giữa luật sư và đại diện Viện Kiểm sát tỉnh diễn ra căng thẳng trong một căn phòng chật đến nghẹt thở (chỉ chứa được khoảng không hơn vài mươi người)
Phần thủ tục tố tụng
Tòa tuyên bố xét xử công khai. Các bị cáo là các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là đảng viên đã bị khai trừ hay xử lí kỉ luật đảng, cho nên không ảnh hưởng đến uy tín của quần chúng!
Có điều Tòa đã bỏ qua tiền sự của Trần Tín Kiệt với Kết luận số 39/KL-TV của Đảng ủy dân chính Đảng tỉnh Bình Định ngày 20/5/1993 và Kháng nghị số 56/KSTTPL của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định ngày 10/12/1994 về các tội “lập quỹ trái phép”, “tham ô”, “hối lộ”… khi Kiệt còn là Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.
Điều lạ là cháy nhà ra mặt chuột: Nguyễn Đình Hiền, đương kim Hiệu phó Trường Đại học Quy Nhơn lại là “nguyên đơn”. Theo Điều 40 Luật Tố tụng Hình sự: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Tòa không công khai đơn của ông Hiền mà chỉ hỏi ông Hiền có yêu cầu bồi thường thiệt hại không? Bất ngờ ông Hiền trả lời không biết gì về vụ án? còn bồi thường thiệt hại thì đề nghị tòa cứ thực thi pháp luật sau khi đã kết tội!
Hàng loạt các nguyên đơn khác, kể cả báo chí phản ánh phát hiện sự vụ không được mời dự và tham gia tố tụng đúng luật định!
Phần thẩm vấn
Một tình tiết quan trọng trong phần thẩm vấn kéo theo dấu hỏi khác về thủ tục tố tụng: một số đương sự có liên quan lẽ ra phải được triệu tập để đối chất trực tiếp lại bị tòa phớt lờ. Chẳng hạn như các bị cáo khai trước tòa, trong số tiền (hơn 1 tỉ 2) có trích chi phong bì cho các trưởng phòng, trong đó có Trưởng phòng tổ chức Nguyễn Thị Ngọc Triển, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Triển lại không có mặt, trong khi Tòa và đại diện Viện Kiểm sát cho rằng những người này đã khai trước cơ quan điều tra là không hề nhận và không có chứng cứ, cho nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này!?
Ngay trong phần thẩm vấn, Tòa đã khẳng định được những nhân tố quan trọng của vụ án:
1. Mặc dù Trần Tín Kiệt, Trần Xuân Cảnh có nhận, đọc và bút phê vào các văn bản quy định của Nhà nước, nhưng đã cố tình làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Ngọc Anh và kế toán trưởng Hoàng Ngọc Thanh Thúy cũng phải chịu trách nhiệm, mặc dù Viện Kiểm sát không truy tố tội danh.
3. Hai quyển sổ: một quyển kế hoạch thu chi của Trần Xuân Cảnh (số tiền 682.765.000 đ) và sổ tay của Lê Văn Phúc (số tiền 920.056.000đ) là do Cảnh và Phúc tự ghi với sự tẩy xóa lung tung và toàn số chẵn, nên “không phải là số thực”!
4. Riêng thu phí giữ xe học kì 2 năm học 2003 – 2004 trong hồ sơ hoàn toàn bỏ trống!
Đại diện VKS khẳng định là “thực” vì các lời khai giữa Cảnh và Phúc là “khớp nhau”!?
Phần tranh tụng
Phiên tòa bất ngờ và hấp dẫn thuộc phần tranh tụng trong 4 tiếng buổi chiều. Viện Kiểm sát luận tội theo khoản 3 Điều 165 Luật Hình sự, sau khi chiếu cố thân nhân tốt, không tiền án tiền sự, lấy mức thấp nhất 10 năm tù giam chia đều cho ba bị cáo, kể cả chia đều số tiền thất thoát phải bồi thường!
Cả ba bị cáo đều không đồng tình với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát. Riêng bị cáo Lê Văn Phúc kêu oan vì bị cáo trình độ văn hóa lớp 6 và chưa bao giờ được nhận các văn bản quy định của Nhà nước!
Luật sư bào chữa cho Trần Tín Kiệt chỉ trích mạnh mẽ vào bản luận tội của đại diện Viện KS thuộc quyền công tố, cơ quan điều tra tỉnh, kể cả UBND tỉnh:
1. Viện Kiểm sát luận tội không dựa vào pháp luật hiện hành, vì Nghị Định 04/1999/NĐ-CP không có quy định về phí giữ xe. Đề nghị đại diện VKS “nghe và ghi chép lại Nghị định 57/2002/NĐ-CP”, vì “đại diện VKS chưa hề biết văn bản này, cho nên áp dụng sai luật”???
2. Quyết định 188/QĐ-UB của UBND tỉnh ban hành về mức thu phí giữ xe “là hoàn toàn trái luật”.
3. Ngoài hai sổ ghi chép của Cảnh và Phúc, cơ quan điều tra không có chứng cứ nào khác ngoài hàng loạt các bản kê khai do chính cơ quan điều tra đánh máy sẵn buộc hai bị cáo trong một ngày kí vào mà không có thời gian kiểm tra. Đề nghị cung cấp tên của điều tra viên để làm rõ về việc tạo chứng cứ này.
4. Nếu con số trên 1 tỷ 2 mà Viện Kiểm sát buộc tội các bị cáo dựa trên hai quyển sổ ghi chép của Cảnh và Kiệt là thực thì mức tội được luận là sai. Bởi vì, đó không phải là tiền thất thoát, mà chỉ 10% số tiền ấy theo quy định phải nộp bồi thường cho ngân sách chứ không phải bồi thường cho Đại học Quy Nhơn!
5. Cái gọi là giám định của Sở Tài chính tỉnh có ghi chú ở dòng cuối cùng “chỉ để tham khảo”, càng không có giá trị pháp lí.
Trên cơ sở ấy, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra lại!
Đại diện VKS phản bác Luật sư 3 điều:
1. Đề nghị Luật sư không được dùng lời lẽ với thái độ không chuẩn về văn hóa pháp đình (bắt VKS phải ghi chép lại Nghị định của chính phủ). Nghị định 04/1999 được dẫn trong Cáo trạng là để chứng minh việc các bị cáo xem việc thu chi trái phép phí giữ xe có tiền lệ trước đó là không đúng chứ không phải để luận tội.
2. Viện Kiểm sát “không truy tố tội trốn thuế”, cho nên không lấy con số 10% trong tổng thu như luật sư đề xuất.
3. Giám định của Sở Tài Chính là hoàn toàn khách quan, có giá trị pháp lí chứ không phải để tham khảo.
Cả hai bên tranh tụng đều không thuyết phục trước tòa, trong khi các nguyên đơn được dự không chính thức tại phiên tòa lại không được quyền tranh tụng. Trong khi sự thực ai cũng biết:
1. Đúng như vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa: các số liệu được ghi trong sổ của Cảnh và Phúc đều không phải là số thực. Còn lấy hai sổ ghi chép này làm bằng chứng thì đó phải là tội “lập quỹ trái phép” để vụ lợi, vì số tiền bị truy tố đã bỏ ngoài sổ sách kế toán để ăn chia trong nội bộ quan chức.
2. Số tiền Kiệt, Cảnh, Phúc và những người được chia tiền đã lợi dụng chức vụ quyền hạn bỏ vào túi riêng là “tội tham ô tài sản của Nhà nước”.
3. “Tội cố tình làm trái” đã có sơ sở pháp lí, nhưng số tiền thất thoát không được làm rõ để bồi thường cho Đại học Quy Nhơn, vì chưa có một giám định khách quan nào khẳng định thực thu trong 6 năm giữ xe tại trường là bao nhiêu?
4. Hệ quả: 10 % trong tổng thu giữ xe để nộp thuế dịch vụ cho Nhà nước cũng chưa được làm rõ để kết tội trốn thuế (dù đã được Chi cục thuế Quy Nhơn nhắc nhở nhiều lần) và bồi thường cho bên thiệt hại là Nhà nước.
Tòa Nghị án: trả hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra bổ sung, làm rõ thêm về chứng cứ!
Âm hưởng cuối cùng của vụ án là Luật sư, kể cả Tòa án Bình Định đã làm bẽ mặt cơ quan điều tra, cơ quan công tố, và cả UBND tỉnh, vì thiếu chứng cứ, thiếu cơ sở pháp lí, kể cả việc ban hành văn bản trái luật. Đó cũng là lí do Trần Tín Kiệt từng tuyên bố: Ông chẳng việc gì phải nộp thuế, vì ông là cơ quan sự nghiệp nhà nước, và ông cũng chẳng việc gì chấp hành văn bản của UBND tỉnh vì cơ quan ông trực thuộc Bộ và hàm của ông ngang hàng với chủ tịch tỉnh!!!
Nhật Báo lược tin

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lần hoãn này lại làm cho các con chuột phải chạy một phen nữa cho đến hụt hơi!