Trang

Mừng Xuân mới Nhâm Thìn

Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Tát cạn bể Đông Hải không rửa sạch tanh hôi.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG Ở ĐẠI HỌC QUY NHƠN (Sai lầm, bao biện, dung túng, bao che. . . nhìn từ góc độ xâu chuỗi)

Nguyễn Thanh
Những sai phạm, ngay đến kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi cực đoan nhất cũng phải đành thúc thủ, ở Trường Đại học Quy Nhơn bắt nguồn từ cá nhân con người Trần Tín Kiệt đã được cảnh báo công khai tại Hội nghị cán bộ công chức trường tháng 10 năm 2007. Có lẽ chưa có một hiện tượng tiêu cực nào lại thu hút công luận với một hoạt động sôi nổi liên tục trong 4 tháng qua gồm 60 bài báo (của đầy đủ các tờ báo uy tín nhất trừ báo Giáo dục và Thời đại) như thế. Toàn bộ những khuất tất đã được phanh phui, không còn một hành vi bất lương của kẻ trên danh nghĩa thủ lĩnh của một cơ quan giáo dục và đào tạo nào không được phô diễn. Nó mạnh mẽ và kiên cường đến mức Bộ Giáo dục và Đào tạo dù lần lữa mãi rồi cũng phải phái một đoàn thanh tra dở dơi dở chuột vào để vỗ yên dư luận (!?). Cho đến giờ này, tất cả các nỗ lực của Bộ cùng với cuộc đấu tranh của công chúng thông qua những hành động bộc phát của một số cán bộ giáo viên trường Đại học Quy Nhơn đã trở thành công cốc: những dũng sĩ và chàng khổng lồ đã ghé vai vác đá rồi thì cũng chỉ để nó lại giữa đường (!?).
Trần Tín Kiệt vẫn ngang nhiên chà đạp lên tất cả, kể cả Bộ, và nhởn nhơ với một thái độ hằn học, công phẫn, đập phá, trả thù . . . Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định có lẽ cũng không muốn làm gì cả, phần vì “sợ oai” của ông Kiệt, phần vì không nỡ đụng chạm vào quá khứ “đánh chuột vỡ bình”. Họ giữ gìn truyền thống vốn dĩ “đèn ai nấy rạng”. Đại học Quy Nhơn tiếp tục tình trạng “quan xa sai nha gần”, đám quan chức “theo voi ăn bã mía” tiếp tục làm ngơ cho ông Kiệt ra đòn... Đâu là nguyên nhân của tình trạng thảm hại không thể tệ hơn ở Đại học Quy Nhơn? Mười năm trước, từ một gã có tiền sự, được tân trang đánh bóng bởi thực trạng hèn kém cùa Đại học Sư phạm Quy Nhơn khi ấy, và với sự hậu thuẫn của GSTS Vũ Ngọc Hải – khi ấy là vụ trưởng Vụ TCCB, ông Kiệt đã chiến thắng mà chỉ xây sát chút ít: nợ lại tấm bằng PTS. “Ngôi thiêng” thế là đã trở thành chiến lợi phẩm của sự lừa dối! Cả Đại học Sư phạm Quy Nhơn kính cẩn khom mình thuần phục và lệ thuộc vào ông ta như một thói quen, không chút mảy may nghi ngờ về sự trong sáng sạch sẽ của thứ đạo đức vỉa hè sau cơn mưa lớn... Hai năm đầu nhiệm kỳ Hiệu trưởng I, ông Kiệt đã thành công trong việc duy trì một quán tính về tốc độ phát triển mà chủ yếu là xây dựng cơ sở vật chất với những khuôn viên trồng cây xanh... Song, việc đốn gục cây me cổ thụ và việc “đánh chó đến tận chân tường” đối với ông Kính đã khiến những người có “tâm kính” lẳng lặng tránh ra. Việc sử dụng các “hung thần” và gia nhân tất nhiên các “trung thần” phải xô dạt . . Một số cán bộ có nhân cách cố gắng giữ gìn vị thế của mình để cản trở tốc độ phi mã của sự tha hóa, vất vả chống đỡ để con thuyền khỏi ụp. Công chúng ở Đại học Sư phạm Quy Nhơn vốn bệnh sĩ thâm căn của kẻ sĩ dẫu không tán đồng việc ông Kiệt làm, song cũng thiếu cơ sở để đấu tranh, lại sống rải rác và phân tán trong các công việc mưu sinh lâu dần rồi cũng rơi vào thói quen quan niệm “tránh đâu” để tự an ủi !!! Các năm 2001, 2005, 2006, 2007 thông qua các kỳ tuyển dụng ông Kiệt khéo léo cài cắm tay chân vào những vị trí nhạy cảm (mà Kết luận thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh tráo thành “vị trí lãnh đạo”), để khống chế toàn bộ hoạt động trong trường. Và cùng với các lần “di quan”, “đảo quan”… cái cơ chế dân chủ ở nhà trường coi như bị bóp chết. Việc ông Nguyễn Văn Phú nghỉ hưu, chức Bí thư Đảng ủy nghiễm nhiên rơi vào tay ông Kiệt. Việc cuối cùng của thâu tóm quyền lực là ông ta củng cố vị trí số 2 của ông Nguyễn Ngọc Anh – một trưởng phòng Tài vụ khi ấy không chút mảy may nghiệp vụ. Toàn bộ hoạt động lãnh đạo của ông này dựa vào vốn tri thức Sinh học hệ Cao đẳng và Luật Nhà nước hệ tại chức vô tiền… Đến đây thì hầu như tất cả chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với công chúng có học chỉ là hình thức. Ủy ban Kiểm tra Đảng tỉnh Bình Định đã nhiều lần tiến hành kiểm tra cái hình thức chết cứng này dựa theo đơn thư tố cáo ẩn danh đã đưa về cho Tỉnh ủy những kết luận “không có vấn đề gì cả”! Tội ác như quả bóng tuyết càng lăn càng to … Các quan án sát Bộ Giáo dục và Đào tạo “thảng hoặc” ghé qua theo định kỳ chỉ chăm chăm vào chiếc phong bì… rồi thì đâu vào đấy cả. Căn cứ vào “Kết luận thanh tra” số 327, ngày 28 tháng 7 thì những sai phạm của ông Kiệt (mà quan thanh tra uốn lưỡi thành của Trường Đại học Quy Nhơn) chỉ xảy ra từ năm 2004. Còn thì trước đó, ông ta như vị thánh sống, trong sáng, thanh tao? Nhận “mật lệnh”, thanh tra công minh giống “thiên lôi chỉ đâu đánh nấy” còn thì trước đó không có chứng cứ nên ông Kiệt “không có vấn đề gì”. Đúng là thanh tra phải dựa vào chứng cứ, song đoàn thanh tra do ông Phạm Văn Tại làm trưởng đoàn này lại từ chối các chứng cứ và thô lỗ từ chối cả người đến cung cấp chứng cứ ... Kết luận của họ lại đòi xử lý người tố cáo sai hoặc không chính xác, ví dụ: Ai nói ông Kiệt che giấu bằng cấp cho vợ ? Ai tố ông Kiệt xét tuyển vợ mình vào ngạch chuyên viên ? Thực ra vợ ông Kiệt có cái bằng cấp nào đâu mà che với giấu! Chưa học xong THCS bà này đã phải lao động mưu sinh, năm 2005 mới tốt nghiệp Trung học tại chức ngành tài chính kế toán. Nhờ trời, mọi chuyện suôn sẻ tháng 8 này bà thi tốt nghiệp đại học tại chức Kế toán. Thanh tra cũng xác minh bà vợ ông Kiệt về trường năm 2001. Như vậy chả hóa ra bà này được vào biên chế nhà nước tại trường ĐHSPQN chỉ với cái bằng tốt nghiệp THCS nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định ư? Thanh tra Bộ nói rằng bà này có hệ số lương 3,86 (QĐ 25- 13/08/2007). Đáng lẽ các ông bà thanh tra chống mắt lên đọc các Quyết định 222 (09/11/2004), 226 (29/11/2004), 82 (09/05/2005) ... để thấy chức vụ chuyên viên, thành viên hội đồng tuyển sinh các hệ ... của bà vợ ông Kiệt thì lại hồ đồ “dí” kết luận thanh tra cho Thứ trưởng Bành Tiến Long ký đại. Nếu Thứ trưởng Bành Tiến Long mà biết được rằng bà vợ ông Kiệt học đại học tại chức Kế toán ban ngày (chứ không phải ban đêm) từ năm 2004 đến nay bà đã vừa làm (vì vẫn nhận đủ lương) vừa học (vì vẫn được xét lên lớp đều đặn) thì thanh tra các ngài có dám ép chúa mình ký đại được không. Các ngài to gan “dám múa rìu qua mắt thợ” cơ đấy! Còn nếu căn cứ vào lời của trưởng phòng TCCB – bà Nguyễn Thị Ngọc Triển – chủ bút “tờ rơi” ở ĐHQN do nhóm “đại gia tri thức” PGS.TS Nguyễn Văn Kính và TS Phan Thanh Nam biên soạn: “quan điểm của nhà trường đối với nhân viên phòng ban trong nhà trường cần năng lực hoàn thành tốt công việc là chính chứ không nhất thiết phải có bằng cấp cao là quan điểm quản lý đúng đắn đầy hiệu quả” thì điều này có nghĩa là gì ? Sự thừa nhận năng lực thực tế chứ không nhất thiết có bằng cấp cao tại một cơ quan giáo dục đào tạo thì tiêu chí đánh giá một năng lực thực tế phải chăng sẽ dựa vào “Kết luận thanh tra” ở phần IV mục 1.4. Sự “bao che” trên đây trước hết là bao che cho vợ hiệu trưởng Kiệt ... Thế đây có phải là sự “vạch áo cho người xem lưng” của nhóm đại gia quyền lực và trí thức? Thảo nào thanh tra công minh thừa nhận việc tuyển các lão nông vào làm công việc của các nhà khoa học ở Trung tâm thực nghiệm nông lâm Nhơn Tân là đúng (!?) Và còn đây nữa, biên chế nhà trường tuyển đúng (xem Kết luận thanh tra, tr. 4): “Việc xét tuyển công chức của trường đều thông qua các kỳ thi tuyển, có Thanh tra Bộ GD&ĐT giám sát nhằm chọn cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực chuyên môn cao” (tr. 4, tờ rơi phát tán ở ĐHQN) thì năng lực chuyên môn cao được đo bằng cái gì? Phải chăng bằng cái gật gù của Thanh tra Bộ !!! Thế còn phẩm chất cán bộ? Bà Đinh Tú Lan – phó phòng HCTH, em vợ ông Kiệt – khai khống chứng từ rút 20.000.000 đ trên tổng 43.800.000đ được xác định bằng lời dọa của bà ta là “đây của chị Hà” (Lương Thị Thu Hà – thanh tra viên theo QĐ 2594 QĐ/BGD&ĐT đang thanh tra tại ĐHQN tại thời điểm đó). Kính thưa các vị hiệu trưởng khả kính trong các trường đại học nước ta: “Có vị hiệu trưởng nào ở một trường đại học trong nước dành hai buổi trong một tuần làm việc để tiếp cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường? Trong khi đó hiệu trưởng trường ĐHQN đã dành hai buổi của lịch hàng tuần để tiếp cán bộ và sinh viên”.(tr 4 – tờ rơi – Nguyễn Thị Ngọc Triển nói năng lủng củng thế đấy). Logic của vấn đề là ngoài Hiệu trưởng của chúng tôi, còn thì các vị là quan quan liêu cả đấy! Nhưng các quý vị đừng phiền lòng vì ông Kiệt khi là Hiệu trưởng lúc “danh chính ngôn thuận” dành hai buổi trên lịch tuần thôi! Vì một năm ông ta có tới ... 500 ngày đi công tác lận! Với mức dự tính công tác phí 2008 ở trường tôi, tổng số tiền là 834.372.800đ thì riêng ông Kiệt phải đi công tác 500 ngày, mỗi ngày 1.000.000đ thì mới hết phần dự chi cho ông ấy! Ấy thế mà Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kết luận bừa: “Kiểm tra biên bản ghi các cuộc họp của nhà trường từ năm 2000 đến nay, việc ghi chép lưu trữ các cuộc họp được thực hiện đầy đủ. Qua nội dung các bản báo cáo cho thấy ... hàng tháng có 2 – 3 cuộc họp ... Như vậy, qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi biên bản, nghị quyết các cuộc họp hội nghị thấy nhà trường đã thực hiện việc công khai dân chủ” (tr. 9 – Kết luận thanh tra – ai dạy viết văn cho người chắp bút kiểu này không biết ?). Kính thưa các vị Hiệu trưởng, các vị thấy điều gì nếu một tuần hai buổi tiếp CBSV là có…, thì Thanh tra Bộ GD&ĐT lợi dụng khi thi hành công vụ đã ém nhẹm các biên bản các cuộc tiếp kiến này. Vả chăng Hiệu trưởng tiếp nước CBSV tuần hai lần trong phòng Hiệu trưởng hay ở một quán nước nào? Ông Hiệu trưởng trường chúng tôi “quản lý gần 900 CB-GV-CNV với nhiều thành phần thì không thể giải quyết công việc làm hài lòng tất cả mọi người được” (tr. 5 – tờ rơi). Không phải tất cả thì có phải là một số không nhỉ ? Vậy là ông ta chỉ làm hài lòng một số ... “hợp với sự phát triển chung của toàn trường là tốt” (tr. 5 – tờ rơi). Vậy trường này là do một số người quy định chiều hướng phát triển của nó. Thế mà Thanh tra Bộ GD&ĐT dựa vào những báo cáo tương tự như thế để kết luận dân chủ hay không dân chủ ở ĐHQN có hồ đồ không cơ chứ! Kính thưa các quý báo! “Tờ rơi” do nhóm “cận thần” của Hiệu trưởng biên tập đã “phẫn nộ” phê phán báo giới như Thanh niên (12/4), Tuổi trẻ (13/4) và kết tội đưa tin sai lệch về trường. Ở đây họ cùng hội cùng thuyền với Thanh tra Bộ GD&ĐT gọi ông Kiệt là “Nhà trường” rồi “vơ đũa cả nắm” lôi các “Tổng biên tập” vào cuộc: “Việc báo chí trở thành công cụ của một số người (ý nói những người ngoài nhóm ông Kiệt ?) là một điều đáng xấu hổ của báo chí ấy ... một tổng biên tập sâu sắc là một người không nên để điều ấy xảy ra trong chính tòa báo của mình” (tr. 6 – tờ rơi). Họ phẫn nộ vì thành tích của nhà trường là tuyệt đối quan trọng. Phê phán ông Kiệt là phê phán nhà trường. Các quý báo hãy coi chừng “chẳng lẽ Chủ tịch nước trao tặng nhà trường Huân chương Độc lập hạng ba nhân kỷ niệm 30 thành lập và trưởng thành là việc làm bừa bãi” (tr. 5 – tờ rơi). Một khi đã sai phạm thì không thể không như gái tham ăn vụng bị chồng lật tẩy, lúc ấy bao biện sẽ trở thành cứu cánh cho cái bản năng sống hèn. Có gì hiệu quả hơn nó để cứu vớt an nguy ... Dưới sự chỉ đạo của ông Kiệt “tờ rơi” đánh tiếng tìm đường “bao che” của Tỉnh ủy Bình Định qua “vấn đề được phân tích thứ ba” (x. “tờ rơi”). Với lối “quy nạp chợ búa”, tờ rơi xây xây dựng bài toán ơrixtic “liệu Đảng ủy Trường ĐHQN có thể tự ý kết nạp cũng như khai trừ đảng viên ra khỏi Đảng khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên ?”. Điều này thì khó mà tranh luận với họ trên phương diện lý thuyết. Thái độ khách quan trung thực của người toàn quyền ở ĐHQN bất chấp pháp luật, bất chấp kỷ cương thành ra cũng không từ sự lãnh đạo của Đảng ủy cấp trên tổ chức của ông ta làm thủ lĩnh. Đảng ủy cấp trên trong tất cả các trường hợp đã bị ông Kiệt đánh tráo toàn bộ nội dung và kết quả chỉ đạo rồi. Cũng giống như ông ta đánh tráo kết quả bầu cử Nhà giáo ưu tú với 100% phiếu tán thành mà trong CBCNVC trường ĐHQN rất nhiều người trong đó có tôi gạt bỏ thẳng thừng ông ấy. Cơ quan Đảng ủy cấp trên đã mất quyền giám sát hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới đối với Đảng ủy Đại học Quy Nhơn từ đời nảo đời nào … Không một đảng viên nào của Đảng bộ ĐHQN tham gia cấp ủy của bất cứ cấp ủy nào ở địa phương và trung ương cả. Lực lượng công an PA25 (công cụ của chuyên chính vô sản), lực lượng trực tiếp bảo vệ Đảng – nhìn từ góc độ văn hóa – quên mất phận sự của mình. Đó là hậu quả đưa đến việc làm thảm hại đối với sinh mệnh chính trị của đảng viên - đảng ủy viên Nguyễn Văn Kính. Cùng một đối tượng, khi thì bị xóa đảng tịch, lúc thì được lén lút khôi phục lại thì phải có một việc làm sai chứ. Nếu chúng xảy ra ở hai thời điểm không cùng trong một nhiệm kỳ Đảng ủy thì cũng thôi không nói mà làm gì. Đằng này, “và điều dễ thấy rằng từ lúc đồng chí Kính làm trưởng phòng ĐTĐH&SĐH cùng với sự nỗ lực của toàn thể CBGVCNV nhà trường, quy mô đào tạo của nhà trường phát triển rất nhanh và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao (số lượng sinh viên đại học, học viên cao học và số ngành đào tạo từ trình độ đại học, đến thạc sỹ tăng lên: đã có đề án xin mở đào tạo trình độ tiến sỹ toán học chuyên ngành Toán Giải tích)... Thế mà phóng viên lại viết một câu (…) có ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tổ chức Đảng, đến công tác tổ chức và quản lý của Bộ và của cá nhân đồng chí Kính”. Ôi chao cái uy tín gì mà mỏng manh quá thế, một câu “nói sai” của báo thôi mà uy tín sáng ngời đã bị lung lay rồi! Theo dõi toàn bộ tiến trình tác giả “tờ rơi” phân tích người đọc không thể kiểm soát được tư tưởng không có đối tượng hay đối tượng bị đánh tráo lung tung này. Điều muốn nói ở đây là “tờ rơi” này do nhóm Triển – Kính – Nam biên tập theo kiểu lắp ghép được Trần Tín Kiệt chỉ đạo phát tán tại ĐHQN đã được hợp pháp hóa vì nó không hề được cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương hay đâu đó bày tỏ thái độ gí. Đó chính là cái “tổ chấy” của đoàn Thanh tra Bộ GD&ĐT tại ĐHQN thích gì nói nấy, đưa tới các kết luận chiết trung vừa đúng vừa sai. Nói sai thì là nhà trường sai chứ không phải ông Kiệt. Trong khi đó đơn thư tố cáo thì không ai tố cáo nhà trường ĐHQN cả. “Kết luận Thanh tra” rất hả hê, khi ông Bành Tiến Long chấp nhận ký tên và chụp dấu “Tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo sai sự thật hoặc đã cung cấp những thông tin, hình ảnh không chính xác về nhà trường cho phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường” (tr 30, 31 – Kết luận thanh tra) Thật là mỉa mai cho quý Thanh tra Bộ trong các kết luận, kiến nghị xử lý thì không có một kiến nghị xử lý kỷ luật nào đối với ông Kiệt – bị đơn cả, mà lại đòi xử lý những nguyên đơn không một lời tố cáo xằng bậy nào về trường ĐHQN. Cần phải tạo ra một đối tượng để xử lý chứ không công lý tự gỉ sét mất! Chụp cho “những đứa có đơn” cái “mũ” tố cáo làm “mất uy tín trường”, thế là…đoàn “quý tộc tài ba xứ Măngxơ” hí hửng trở về làng Tôbôxô với chiếc chậu cạo râu của người thợ cạo! Quý vị thanh tra! Nếu những người tố cáo ông Kiệt đã làm ảnh hưởng đến uy tín của trường là đối tượng cần phải xử lí, thì ông Kiệt – kẻ phá hoại uy tín của trường có được nhận Huân chương không? Hay thôi, quý vị hãy bỏ tiền vào miệng những cá nhân nào không làm gì cả!... Quý vị thanh tra! Nếu cái ông TS Nguyễn Phúc Châu (Học viện QLGD, chủ tịch HĐ bảo vệ luận văn thạc sỹ QLGD tại trường tôi) tay huơ, miệng nói: văn bản Kết luận thanh tra là do GSTS Bành Tiến Long đương kim Thứ trưởng ký (tức tất cả chúng ta phải tâm phục, khẩu phục!) thì ông Kiệt đang tay ném cái văn bản ấy vào sọt rác rồi thì quý vị nghĩ sao ? Giữa cái thời dân chủ mà còn “cả vú lấp miệng em” thật là ngạo mạn thái quá. Trường ĐHQN đẹp từ trong cốt cách của nó. Ngay cả khi nó bị bỏ rơi bởi việc làm tàn bạo của ông Kiệt, những người còn lại vẫn duy trì một kỷ cương khả thủ ra lớp ra trường. Tự nhiên xinh đẹp ngay cả khi nó sản sinh ra những con quái vật! Chúng tôi tin tưởng vào tương lai và nhất là khi chỗ ẩn náu cuối cùng của ông Kiệt về phương diện chính trị, cũng đã tự đổi mới rồi …
Quy Nhơn 07 tháng 9 năm 2008

Không có nhận xét nào: